Tin tức

NHỮNG LỢI ÍCH TUYỆT VỜI CỦA TRÁI THANH LONG ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Thanh Long là loại trái cây khá quen thuộc với đồng bào và cũng là một thế mạnh kinh tế của bà con ở các tỉnh phía nam.
Thanh Long 青龍 là âm Hán Việt thường gọi, với ý nghĩa Thanh là màu xanh, Long là rồng, tên khoa học là Hylocereus undatus, cùng họ Xương Rồng. Đây là loại thực vật bản địa của Mexico và các nước Trung-Nam Mỹ, được di thực đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, phát triển và được trồng tại những khu vực sản xuất lớn để lấy trái cây tại các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa…

nhung-loi-ich-tuyet-voi-cua-trai-thanh-long-doi-voi-suc-khoe-1

Về giá trị dinh dưỡng

Những người ăn kiêng, muốn giảm cân rất nên dùng thanh long. Trong trái Thanh Long có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Trong 100g trái Thanh Long thì có đến 159 – 229 mg Protit, 210 – 610 mh Lipit, 7 – 11,5 mg Gluxit. Khá nhiều những nguyên tố vi lượng hữu ích như Canxi có 6, 3 – 8, 8 mg, Kali có 200-215mg, Sắt có 550 – 650 mcg, Phospho có đến 30,2-36,1mg. Đặc biệt là có chất Beta carotene – một loại tiền Vitamin A, chiếm từ 5 – 12 mcg; Thiamin [B1] chiếm từ 28 – 43 mcg; Riboflavin [B2] chiếm từ 43 – 45 mcg; Niacin chiếm từ 297 – 430 mcg; Ascorbic axit [C]. Ngoài ra, cũng trong 100g trái Thanh Long cũng cho ta từ 30 – 50 Cal, phần còn lại chủ yếu là nước, chiếm đến 90%.
Dưới góc nhìn dinh dưỡng học, có thể nói đây là loại trái cây giàu chất dinh dưỡng cần thiết, có lợi cho sức khỏe. Những người ăn kiêng, muốn giảm cân rất nên dùng loại trái cây này. Nên ăn trước bữa cơm từ 200 – 400 g Thanh Long, sẽ làm tăng hệ số choán trong bao tử, mà vẫn bổ sung đầy đủ các dưỡng chất khác cho cơ thể, chống được béo phì, ngừa được tiểu đường, giảm cholesterol và mỡ máu. Có thể nói, lợi ích dinh dưỡng từ trái Thanh Long là khá rõ nét.

Về giá trị dược liệu

Theo Đông y, trái Thanh Long có vị cam [ngọt], tính lương [mát], quy các kinh Phế, Vị và Thận. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, nhuận phế, chỉ khái [trị ho], trừ đàm, tăng sinh lực, nhuận trường, tả táo. Với những đặc tính ấy, hoàn toàn có thể xem Thanh Long với tư cách là một dược liệu quý, đóng góp vào kho tàng Nam dược của chúng ta một vị thuốc dễ dùng, dễ tìm và dễ sử dụng, đúng như tôn chỉ của tiền nhân là “Nam dược trị Nam nhân”.

Mỗi ngày ăn chừng 200 – 300 g Thanh Long, có thể cải thiện tốt tình trạng táo bón đối với người bị táo kết mạn tính. Ăn Thanh Long trước bữa ăn 1 tiếng, giúp tăng sức đề kháng, làm mát máu và giảm ho, bớt đờm đối với những người mắc chứng ho đàm do phế nhiệt. Uống sinh tố Thanh Long sau khi bị say rượu, có công dụng thanh nhiệt giải độc, giúp cơ thể mau bình phục lại trạng thái quân bình.

Các nghiên cứu mở rộng gần đây, như nghiên cứu của Dược sĩ Phan Đức Bình đăng trên Tạp chí Cây Thuốc Quý, số 195 + 196, tháng 1 năm 2012 cho biết, không chỉ trái Thanh Long có giá trị cao về dinh dưỡng và tác dụng trị bệnh, mà hoa của cây Thanh Long cũng rất đáng quý. Nghiên cứu cho thấy: “Hoa Thanh Long có tác dụng hạ đường huyết – tương tự Hoa Quỳnh. Hái 2 bông hoa sắp nở, xắt nhỏ, giã nát, chế nước sôi vào hãm 30 phút để uống mỗi ngày. Có thể chế nước nhì uống vào lúc 9h tối”.

Các nghiên cứu hiện đại khác còn cho thấy, hàm lượng nước dồi dào trong trái Thanh Long là nguồn collgen DNA rất tốt, giúp duy trì độ đàn hồi cho da. Các Vitamin E và C là những thành phần kháng oxy hóa rất có lợi.

Các chị em có thể lấy phần nạc trong trái Thanh Long, cắt thành những miếng mỏng để làm mặt nạ đắp mặt, chờ đến khi khô thì rửa mặt với nước ấm và lau mặt bằng khăn mềm, sẽ giúp da sáng mịn, căng mọng, ít bị khô da và cải thiện tốt các tế bào chết. Nếu dùng thường xuyên, có thể giảm được các nếp nhăn vùng mặt. Người Hà Lan đã chiết xuất các chất hữu ích từ lá cây Thanh Long để làm thành các mỹ phẩm chống nắng và chữa bỏng cho da.
Với những giá trị về dinh dưỡng cũng như nhìn nhận tư cách một dược liệu quý như đã nêu trên, trái Thanh Long không chỉ đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào ta ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, mà còn có thể khai thác loại trái cây này dưới hình thức các sản phẩm chế biến tiền dược liệu hoặc dược phẩm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Đem lại lợi ích kinh tế chung cho đất nước, cũng như đánh thức tiềm năng dược liệu Việt trong bối cảnh các dược liệu đông dược chủ yếu phải nhập khẩu. Góc nhìn về dược liệu Việt đã được Đại danh y Tuệ Tĩnh chú trọng nghiên cứu từ rất sớm, điển hình như cuốn Nam Dược Thần Hiệu cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị không chỉ đối với các thế hệ y sinh mà còn là trân bảo của cả nền Nam Dược chúng ta.

Nguồn: Ds. Chu Giang Phong / Xa lộ Pháp luật

 :