Thời Sự Y Tế

Cô gái trẻ tử vong vì tự ý mua thuốc điều trị sốt xuất huyết

Trước đó, bệnh nhân này có biểu hiện sốt cao và tự mua thuốc uống. Tuy nhiên, sau khi các triệu chứng giảm nhẹ, tình trạng bất ngờ chuyển biến xấu dẫn đến tử vong.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai ngày 10/8, mới đây, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ là M.K.D. (25 tuổi, trú tại Trảng Bom, Đồng Nai) nhập viện do sốt xuất huyết và không may tử vong.

Trước đó, người phụ nữ này có biểu hiện sốt từ ngày 2/8 và tự mua thuốc uống. Đến ngày 5/8, tình trạng sốt giảm, bệnh nhân khỏe hơn nhưng lại có thêm triệu chứng đau lưng nên đã đi khám tại một phòng khám tư và được kê thuốc uống.

Tối cùng ngày, D. có cảm giác mệt mỏi, đau bụng tăng dần, nôn. Tới sáng 6/8, người nhà sau khi phát hiện bệnh nhân mệt nhiều, khó thở, tím tái đã đưa D. tới Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu.

Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng ngừng hô hấp tuần hoàn và đã được hồi sinh, có chẩn đoán sốt xuất huyết nặng thể sốc ngày thứ 4, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu. Không may, tới chiều cùng ngày, bệnh nhân tử vong.

Tương tự, bệnh nhân L.T.N. (24 tuổi, ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) cũng vừa phải nhập viện cấp cứu vì mắc sốt xuất huyết. Trước đó, N. đã đến khám và điều trị tại một phòng khám tư.

tu vong do sot xuat huyet anh 1
Bệnh nhân N. được cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hoàn Lê.

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân không khỏi mà thậm chí xuất hiện thêm các triệu chứng nặng và được chuyển tới Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch. Đáng chú ý, bệnh nhân này đã được truyền dịch khi chưa cần thiết.

Theo bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, thời gian qua, cơ sở y tế này cũng tiếp nhận một số bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại nhà và được truyền dịch chưa đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Vị chuyên gia cho hay bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ cần truyền dịch trong trường hợp bị sốc. Lúc này, các bác sĩ sẽ truyền một lượng dịch rất lớn, khoảng 3.000-4.000 ml/ngày, thậm chí nhiều hơn.

Nếu bệnh nhân tự ý truyền dịch từ trước và rơi vào tình trạng sốc khi nhập viện, các bác sĩ buộc phải truyền dịch để chống sốc. Lúc này, dịch quá nhiều có thể gây ra quá tải tuần hoàn, phù phổi cấp, suy tim cấp, thậm chí tử vong.

Từ đây, BS Hùng nhấn mạnh người dân khi bị sốt ngày thứ 2 cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, truyền dịch không đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Nguồn: Zing News

  • 64x64

    Gói khám tầm soát ung thư doanh nghiệp miễn phí

    Dưới sự tài trợ của quỹ từ thiện One Health Foundation ( quỹ OHF), Dr.OH – Bệnh Viện Đa Khoa Bỏ Túi đã và đang triển khai chương trình tầm soát ung thư miễn phí dành cho các công ty tại TP. Hồ Chí Minh. Mục đích bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh ung thư đang dần trẻ hóa tại Việt Nam.

  • 64x64

    Sai lầm sức khỏe nhiều người mắc phải trong cuộc sống

    Những thói quen bạn thực hiện hằng ngày tưởng vô hại nhưng mang lại hậu quả khôn lường. Dưới đây là những sai lầm nhiều người mắc phải trong cuộc …

  • 64x64

    Tầm soát dấu ấn ung thư và hệ miễn dịch covid tại ngân hàng Bắc Á 

    Vừa qua dưới sự tài trợ của Quỹ từ thiện Sức khỏe là số 1 One Health Foundation, Bệnh viện Đa khoa Bỏ Túi Dr.Khoa kết hợp cùng ngân hàng Bắc Á bank tổ chức chương trình tầm soát dấu ấn ung thư và hệ miễn dịch covid với sự kết hợp của Bảo hiểm Dai ichi.